Trung Quốc thách thức các bên ở biển Đông


(Dân Việt) - Việc Trung Quốc vi phạm thô bạo chủ quyền quốc gia và xâm phạm khu vực thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam một cách có hệ thống, có tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đang làm cho tình hình an ninh trên biển Đông trở nên rất căng thẳng và việc giải quyết tất cả các vấn đề liên quan tới các bên ở biển Đông trở nên phức tạp và nan giải hơn.



Tàu thăm dò Viking II do Tập đoàn dầu khí Việt Nam thuê. Ảnh: PetroTimes
Những hành vi này của Trung Quốc gây trở ngại mới cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời cũng thách thức cả các quốc gia ven biển Đông nói riêng và cả ASEAN nói chung.
Những vi phạm của Trung Quốc ở khu vực thềm lục địa 200 hải lý thuộc chủ quyền của Việt Nam là rất nghiêm trọng và đáng lo ngại. Đã có không ít người cho rằng Trung Quốc đang thực hiện một kiểu “phép thử”: Thử xem Việt Nam phản ứng đến đâu; thử xem các quốc gia khác liên quan trực tiếp như Philippines hay Malaysia bày tỏ thái độ thế nào; thử xem Mỹ lựa chọn ra sao giữa quan hệ với Trung Quốc vào bảo vệ những lợi ích trực tiếp ở biển Đông cũng như trong quan hệ của Mỹ với các đối tác ở khu vực; thử xem ASEAN có đoàn kết và đồng thuận trong nội bộ hay không mỗi khi Trung Quốc gây sự với một quốc gia thành viên và bất chấp Quy tắc về các ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà ASEAN đã khởi xướng và Trung Quốc đã tham gia.
Lên trên hết là Trung Quốc thử xem Việt Nam, khu vực và thế giới sẽ phản ứng như thế nào khi Trung Quốc có những hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 với ý đồ biến khu vực không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thành khu vực có tranh chấp để từ đó dùng tranh chấp để thực hiện đường yêu sách “Lưỡi Bò” của Trung Quốc vốn bị tất cả các đối tác khác và các bên liên quan kiên quyết phản đối và hoàn toàn bác bỏ.
Những phân tích và đánh giá như thế không phải không có cơ sở và thậm chí đã được thẩm định trong chừng mực nhất định khi Trung Quốc để cho tàu ngư chính yểm trợ tàu đánh cá cản phá hoạt động thăm dò của tàu Viking 2 của Việt Nam trong khu vực thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam ngày 9.6 vừa qua, sau khi Trung Quốc gây sự với tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam ở khu vực thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đối với Việt Nam, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng. Việc bảo vệ an toàn cho người dân và an ninh cho các hoạt động kinh tế, nghiên cứu khoa học, khai thác tài nguyên thiên nhiên ở khu vực thuộc phạm vi chủ quyền được pháp lý quốc tế công nhận là chính đáng và cần thiết.
Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng luôn coi trọng tất cả những thỏa thuận đã đạt được với Trung Quốc về biên giới lãnh thổ nói riêng và về quan hệ song phương nói chung, trong đó có việc thực hiện nghiêm chỉnh những thỏa thuận nhất trí và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về xử lý các vấn đề trong quan hệ song phương, đặc biệt về việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, giải quyết tất cả các vấn đề nảy sinh thông qua thương lượng hòa bình.
Rất tiếc là phía Trung Quốc đã không làm như thế trong vụ việc gây hấn với tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 và tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam trong khu vực thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Những hành vi nói trên của Trung Quốc trong những ngày vừa qua ở biển Đông là không thể chấp nhận được cũng vì thế.
Lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy đe dọa và sử dụng bạo lực, lấn lướt và uy hiếp không đưa lại giải pháp lâu bền cho các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, không giúp tạo dựng biên giới hòa bình và hữu nghị, hợp tác toàn diện và chặt chẽ cùng có lợi giữa các nước láng giềng và các quốc gia trên thế giới.
Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn chủ trương phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các quốc gia và khu vực lãnh thổ trên thế giới, luôn chủ trương giải quyết tất cả các vấn đề bằng đàm phán và đối thoại hòa bình, luôn rất coi trọng phát triển mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng cũng có truyền thống luôn sẵn sàng làm tất cả và hy sinh tất cả để giữ vững chủ quyền quốc gia và bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

06:36 | Posted in , , | Read More »

Ngày 16/6: Hiện tượng thiên văn kỳ thú - Mặt trăng “máu”



Ảnh Mặt trăng nhuốm màu đỏ khi diễn ra nguyệt thực toàn phần (nguồn internet)

Vào rạng sáng ngày 16/6 này , người dân Việt Nam cùng cư dân của một số vùng trên thế giới sẽ có cơ hội quan sát được hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Bóng tối của Trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn Mặt trăng trong khoảng thời gian 100 phút, chỉ khi kém hơn khoảng 3 phút so với lần nguyệt thực được cho là dài nhất thế kỉ 21 (vào 28/7/2018).
Những nơi sẽ quan sát được nguyệt thực bao gồm châu Âu, châu Phi, châu Á, Úc, New Zealand, miền nam của Nam Mỹ và miền Đông Nam của nước Mỹ.

Tại Việt Nam, theo các tính toán của NASA: Nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu từ lúc 0 giờ 22 phút khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất, nhưng Nguyệt thực nửa tối sẽ rất khó nhận biết vì Mặt trăng chỉ tối hơn bình thường một chút. Thời điểm mà chúng ta nên bắt đầu quan sát là 1h22', Mặt trăng sẽ bắt đầu vào vùng bóng tối của Trái đất bắt đầu giai đoạn nguyệt thực 1 phần, màu sắc của vùng bóng trái đất in trên mặt trăng sẽ chuyển dần từ đen xám sang ửng đỏ khi vùng bóng này lớn dần.
Nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu vào lúc 2h22’, toàn bộ mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại vào lúc 3h12' cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ đồng rõ đẹp nhất.
Chúng ta sẽ tiếp tục quan sát được pha nguyệt thực toàn phần cho đến 4h02'. Sau đó trăng sẽ dần ra khỏi vùng tối, màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi trăng ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 5h02' và kết thúc nguyệt thực một phần.
Điều đặc biệt là trong năm 2011 sẽ có 2 nguyệt thực toàn phần có thể quan sát được ở Việt Nam. Vào chập tối ngày 10/12/2011, chúng ta sẽ lại thấy nguyệt thực toàn phần, tuy thời gian quan sát có thuận lợi hơn nhưng lần nguyệt thực toàn phần này chỉ kéo dài trong 52 phút.
Nguyệt thực, và các loại nguyệt thực
Trái Đất được Mặt Trời chiếu sáng đồng thời cũng cản các tia sáng từ Mặt Trời tạo ra một vùng bóng tối trải dài trong không gian. Nguyệt thực diễn ra khi Mặt trăng trên quỹ đạo chuyển động của mình đi vào vùng bóng tối này. Khi ấy Mặt Trăng không còn được Mặt Trời chiếu sáng trực tiếp, do đó ánh Trăng không còn sáng như bình thường. Vị trí trái đất nằm giữa Mặt trời và Mặt trăng giải thích vì sao ngày diễn ra nguyệt thực luôn là ngày trăng tròn, khi ấy nhìn từ trái đất, trăng đang vào pha tròn cực đại.
Ánh sáng từ Mặt Trời chiếu tới Trái Đất sẽ để lại phía sau vùng bóng tối và vùng nửa tối (hay còn gọi là vùng bóng mờ). Khi Mặt Trăng đi vào vùng nửa tối ta có Nguyệt thực nửa tối. Quan sát hiện tượng này ta chỉ thấy Mặt Trăng chỉ mờ đi một chút so với bình thường rất khó thấy sự khác biệt.
Khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối ta có Nguyệt thực một phần. Hiện tượng này cho ta thấy cung tròn của bóng Trái Đất hiện rõ trên Mặt Trăng. Chính nhờ hiện tượng này mà nhà thiên văn Aristos đã phát hiện ra Trái Đất có hình cầu.
Khi Mặt Trăng đi qua và nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối ta có Nguyệt thực toàn phần, đây là trường hợp ta sẽ quan sát được vào rạng sáng ngày 16/6/2011 sắp tới đây.
Mặt trăng “máu”
Khi nguyệt thực toàn phần diễn ra Mặt trăng đôi lúc sẽ có màu đỏ như máu, điều đó khiến cho Nguyệt thực mang sắc thái rất huyền bí ở một số nền văn hóa. Theo dân gian Việt Nam ngày xưa, nguyệt thực còn gọi là hiện tượng “gấu ăn trăng”, Mặt trăng đang bị một con gấu khổng lồ đang nuốt mất. Mọi người phải khua chiêng đánh trống làm huyên náo để đuổi con gấu đi trả lại ánh trăng sáng của đêm rằm.
Ngày nay chúng ta đều biết Nguyệt thực là chỉ là một hiện tượng thiên nhiên đặc biệt, và có thể tính toán từ trước dựa theo chu kì chuyển động của Trái Đất và Mặt Trăng.
Theo một câu chuyện lịch sử, chính vì nhờ có cuốn lịch thiên văn luôn mang theo mình mà vào năm xưa, ngày 29/2 năm 1504, nhà thám hiểm vĩ đại Christ Columbus đã lợi dụng hiện tượng nguyệt thực để cứu đoàn thám hiểm của ông khỏi sự bao vây của những thổ dân da đỏ.
Khi nguyệt thực diễn ra, mặt trăng bị nuốt chửng bởi một màu đỏ kì quái, người da đỏ đã vô cùng hoảng loạn. Christ Columbus lừa họ rằng đó là dấu hiệu giận dữ của Chúa do người da đỏ đã đối xử không tốt với đoàn của ông. Nhà thám hiểm vĩ đại tuyên bố là với quyền năng của mình ông có thể xin Chúa rủ lòng thương, và tự giam mình vào phòng tối trong khoảng 50 phút để nói “chuyện riêng” với Chúa. Kì thực, “quyền năng” của ông chỉ là một chiếc đồng hồ cát để đo thời gian diễn ra nguyệt thực đã được tính toán trong quyển lịch thiên văn. Ngay khi nguyệt thực sắp sửa kết thúc Columbus bước ra khỏi căn phòng và tuyên bố Chúa đã tha thứ và kì diệu thay, gần như ngay lập tức Mặt trăng sáng tỏ trở lại. Người da đỏ sau đó đã thần phục Columbus và đổi xử tốt với đoàn thám hiểm của ông.
Vậy tại sao Mặt trăng lại chuyển sang màu ửng đỏ mà không phải là tối đen khi nguyệt thực toàn phần?Điều này được giải thích vì ngay cả khi Trái đất chặn các tia từ Mặt trời, thì ánh sáng Mặt trời vẫn rẽ ra xung quanh rìa của Trái đất, và ánh sáng này được phản chiếu lên trên Mặt trăng.
Ánh sáng từ Mặt Trời có thành phần bao gồm đủ các màu với các bước sóng khác nhau. Khi ánh sáng Mặt trời đi xuyên qua lớp khí quyển Trái Đất các bước sóng ngắn như màu xanh, tím .. sẽ bị khí quyển hấp thụ gần như hoàn toàn, chỉ còn ánh sáng đỏ có bước sóng ánh sáng dài là có khả năng đâm xuyên mạnh nhất đi qua. Đồng thời bầu khí quyển Trái Đất như là một thấu kính hội tụ khổng lồ làm cho ánh sáng đỏ đi xuyên qua có xu hướng lệch về trục chính của vùng bóng tối và ánh sáng này đã chiếu rọi Mặt Trăng khi nó đi qua vùng này. Do đó ta thấy Mặt Trăng có màu đỏ khi diễn ra Nguyệt thực.
Mặt trăng sẽ thay đổi những sắc thái khác nhau trong suốt các giai đoạn diễn ra của Nguyệt thực, bắt đầu từ màu xám đen tới màu đỏ đồng có thể cả màu hổ phách. Độ rực rỡ của màu đỏ này có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi mật độ bụi, và hơi nước của bầu khi quyển Trái Đất vào thời điểm diễn ra Nguyệt Thực


Đình Đôn - Nguyễn Tuấn (HAAC), Nguồn tham khảo: NASA, Space, thienvanhoc.org

06:33 | Posted in , , , | Read More »

Sao lưu, phục hồi thiết lập mạng không dây trong Windows 7


Windows 7 có rất nhiều cải tiến mới so với phiên bản trước. Một trong số đó là những cải tiến trong kết nối mạng không dây, làm cho việc kết nối thuận tiện và dễ dàng hơn. Nhưng vẫn còn một chút khó khăn khi thiết lập một mạng không dây, đó là ghi nhớ và gõ chính xác các khóa bảo mật. Để khắc phục vấn đề này, chúng ta sẽ sử dụng một tính năng sẵn có trong Windows 7, xuất các thiết lập mạng không dây của bạn từ máy tính vào một flash USB để lưu trữ, sau đó nhập khẩu trở lại vào máy tính, máy tính xách tay, netbook chạy Windows XP, Windows Vista và Windows 7 để phục hồi khi cần thiết.
1. Sao lưu các thiết lập mạng không dây
- Mở Network and Sharing Center bằng cách bấm vào biểu tượng wireless từ thanh tác vụ và bấm vào liên kết Open Network and Sharing Center, hoặc bằng cách vào menu Start, nhập Network and Sharing Center và bấm Enter.
- Khi cửa sổ Network and Sharing Center mở ra, ở bảng bên trái chọn Manage wireless networks.
- Trong phần Manage Wireless Network, xuất hiện một danh sách tất cả các mạng không dây mà bạn đã được kết nối tại một thời điểm trong quá khứ, hãy chọn cái mà bạn muốn sao lưu và bấm đôi vào nó.
- Trong hộp thoại Wireless Network Properties xuất hiện, bấm vào liên kết Copy this network profile to a USB flash drive.
- Tiếp theo, trình thuật sĩ Copy Network Settings sẽ khởi động.
Bây giờ bạn gắn ổ đĩa flash USB vào máy, đợi vài giây cho đến khi wizard phát hiện nó, bấm Next.
Lưu ý: nếu trình thuật sĩ Copy Network Settings không phát hiện ổ đĩa flash USB của bạn và nút Next không thực thi được, có thể lỗi nằm ở chỗ ổ đĩa flash USB bạn đang sử dụng được định dạng NTFS. Cách giải quyết khá đơn giản, chỉ cần sao lưu toàn bộ tài liệu có trong ổ đĩa flash USB và định dạng nó thành chuẩn FAT 32 bằng chức năng định dạng sẵn có của Windows 7.
- Chờ cho đến khi các thiết lập được sao chép. Khi tất cả thực hiện xong, bấm nút Close.
- Xem trong ổ đĩa flash USB, bạn sẽ tìm thấy những file setupSNK.exe và các tập tin AUTORUN.INF, và thư mục SMRTNTKY, nhớ lưu ý: đừng xóa chúng.
Ngoài ra, lưu ý rằng bạn chỉ có thể sao chép một cấu hình mạng không dây tại một thời gian cho mỗi ổ đĩa flash USB. Khi bạn nhập thông tin mạng và cố gắng trích xuất một cấu hình mạng không dây mới, nó sẽ ghi đè lên các thiết lập trước đó đã lưu trong ổ đĩa flash USB.
2. Phục hồi các thiết lập mạng không dây
- Trên các máy tính hoặc máy tính xách tay mà bạn muốn nhập khẩu các thiết lập không dây, cắm flash USB và bấm đôi vào file setupSNK.exe. Khi hộp thoại Wireless Network Setup Wizard xuất hiện, bấm Yes để chấp nhận việc cài đặt.
- Bây giờ các thiết lập của bạn sẽ được nhập khẩu vào máy tính.
Khi thấy thông báo You have successfully added this computer to the “...” wireless network xuất hiện, việc phục hồi đã thành công, bấm OK đóng hộp thoại.

KIỀU MINH CẢNH minhcanhdn0704@gmail.com

06:27 | Posted in , , | Read More »

Chủ tịch ASEAN lên tiếng về Biển Đông



Người phát ngôn bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene Ảnh: wordpress
Sự leo thang của một số vụ việc ở Biển Đông nhấn mạnh tầm quan trọng với cả ASEAN và Trung Quốc rằng cần lập tức trở lại với những nguyên tắc trong nỗ lực thực hiện DOC, tất cả các nguyên tắc đã được nhất trí cần được thực hiện đầy đủ”, người phát ngôn bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene nói trên tờ Jakarta Post như vậy.
Ông nói rằng, một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN được nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN 18 tổ chức ở Jakarta đầu tháng trước, đã thúc giục các bên tranh chấp – Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia – nhanh chóng ký kết các nguyên tắc, và bắt đầu đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử.
Tất cả các bên cần tôn trọng lẫn nhau, giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hòa bình bằng cách duy trì các nguyên tắc trong Công ước LHQ về Luật biển và kiềm chế để không leo thang bạo lực”, ông Michael nói.
Trung Quốc và bốn nước ASEAN đều đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Cả Philippines và Việt Nam đã lên tiếng về các hành động quấy nhiễu của tàu Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của mình.
Tuy nhiên, hãng AP hôm qua đưa tin, Bắc Kinh đã phản đối mọi cáo buộc và khẳng định rằng, họ chỉ sử dụng bạo lực khi bị tấn công, đồng thời cảnh báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp và thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình.
Chúng tôi kêu gọi các bên khác ngừng tìm kiếm khả năng khai thác tài nguyên ở khu vực mà Trung Quốc có chủ quyền”, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu nói với báo chí ở Manila. Tuy vậy, ông này tuyên bố, Trung Quốc sẽ cởi mở để các nước tuyên bố chủ quyền khác cùng thăm dò dầu khí trong khu vực.
Trữ lượng dầu và khí tự nhiên ở khu vực Trường Sa ước tính vào khoảng 17,7 tỉ tấn, lớn thứ tư thế giới.
Theo giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Connie Rahakundini Bakrie thì, tranh chấp Biển Đông là phép thử với ASEAN trong không gian hàng hải ở Đông Nam Á – nơi chỉ có 20% trong số 60 điểm tranh chấp có nguy cơ đụng độ được giải quyết. “Nếu ASEAN không thể xử lý vấn đề Biển Đông, thì làm sao có thể giải quyết những vấn đề phức tạp hơn trong tương lai”, bà nói. Connie đề cập tới những điểm chưa giải quyết được trong không gian hàng hải của khu vực.
Chuyên gia nghiên cứu an ninh Andi Widjajanto, Đại học Indonesia cho rằng, những vụ việc gần đây và chuyện tranh cãi giữa Trung Quốc và hai nước ASEAN (Việt Nam, Philippines) đã chứng tỏ ý định của Trung Quốc khi họ chỉ muốn đơn phương làm mọi thứ mặc dù luôn tuyên bố theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình. “Các ngoại trưởng ASEAN cần có nỗ lực đặc biệt để tạo ra cơ chế trong công tác DOC…vì cơ chế hiện tại trong ASEAN rõ ràng không tác dụng”, ông nói.
  • Thái An (Theo thejakartapost)

06:13 | Posted in , , | Read More »

Mỹ điều khu trục hạm tới Tây Thái Bình Dương


Mỹ vừa triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon tới Tây Thái Bình Dương trong lúc căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng vì tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông lên cao.

Khu trục hạm USS Chung-Hoon. Ảnh: US Navy.
Khu trục hạm USS Chung-Hoon. Ảnh: US Navy.
Hải quân Mỹ cho hay 280 thủy thủ trên tàu dự kiến sẽ hoạt động hợp tác với các nước đồng minh trong khu vực. BBC cho hay tàu này rời căn cứ ở Hawaii tới Tây Thái Bình Dương hôm 8/6 trong sứ mệnh xác định "quyền tự do hải hành" trong vùng. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng nói nhiệm vụ của tàu còn là để "răn đe", thúc đẩy "hòa bình, an ninh" cũng như đảm bảo sẵn sàng cứu trợ nhân đạo.
Năm ngoái, USS Chung-Hoon từng hợp tác huấn luyện với Lực lượng cảnh vệ bờ biển Philippines tại biển Sulu. Tàu này thường hỗ trợ cho các nỗ lực chống nổi dậy ở miền nam Philippines. Nó cũng từng tham gia các cuộc tập trận cùng lực lượng Mỹ ở Guam và hải quân Singapore.
Chính quyền Obama gần đây chuyển trọng tâm chiến lược sang Đông Nam Á, sau khi nhận thấy tầm quan trọng ngày càng lớn về quân sự, ngoại giao lẫn thương mại của khu vực này, tạp chí Foreign Policy nhận định. Tàu USS Chung-Hoon được điều tới Tây Thái Bình Dương đúng thời điểm Trung Quốc bị tố cáo liên tục có những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam và Philippines tại Biển Đông.
Hôm qua, Việt Nam cho biết tàu đánh cá Trung Quốc định cắt cáp tàu Việt Nam khi đang thăm dò địa chấn trong phạm vi 200 hải lý trên thềm lục địa của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hành động của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là "hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng", nhằm biến yêu sách đường lưỡi bò thành hiện thực và Việt Nam không thể chấp nhận điều này.
Đây là lần thứ hai trong vòng hai tuần qua, tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam và phá hoại tàu thăm dò của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Trước đó hôm 26/5, ba tàu hải giám Trung Quốc đã tấn công tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 đang làm việc bình thường trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.
Philippines gần đây cũng cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của họ ở Biển Đông. Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm qua cho biết sẽ phản đối Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc.
Tàu USS Chung-Hoon của Mỹ có trọng tải khoảng 9.200 tấn, được trang bị radar Aegis, cùng nhiều tên lửa chống phi cơ, tàu chiến, tàu ngầm và cả tên lửa Tomahawk. Hồi tháng 3/2009, tàu này từng được điều động tới hộ tống tàu thăm dò Impeccable của Hải quân Mỹ sau một vụ va chạm với tàu đánh cá Trung Quốc ở Biển Đông.
Mai Trang

06:07 | Posted in , , | Read More »

'Việt Nam cần tỉnh táo trước khiêu khích của Trung Quốc'


"Trung Quốc đang thử thách, khiêu khích và chờ đợi sự mất bình tĩnh của chúng ta. Thời gian tới Trung Quốc không dừng lại mà sẽ còn tiếp tục có những hoạt động mạnh", nguyên trưởng ban biên giới Chính phủ đánh giá.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trao đổi vớiVnExpress sau sự kiện Trung Quốc tiếp tục phá cáp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
- Tại Đối thoại an ninh khu vực Shangri La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc liên tục nhắc đến "hòa bình". Vậy tại sao, vừa trở về, họ đã tiếp tục có hành động phá hoại tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam?
- Dư luận trong nước và quốc tế vừa qua đã có tiếng nói khá mạnh mẽ. Riêng tiếng nói chính thức Việt Nam rất cương quyết. Các nước Philippines, Malaysia cũng thế. Về mặt nguyên tắc, Mỹ vẫn thể hiện thái độ của mình, không từ bỏ lợi ích của mình ở Biển Đông. Nhưng về mức độ, so với tuyên bố năm ngoái của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate không mạnh mẽ bằng.
Trong khi đó, trước khi xảy ra vụ cắt cáp của tàu Bình Minh 2 cũng như trước hội nghị Shangri La, các quan chức cấp cao Trung Quốc đã có hàng loạt chuyến công du lobby ngoại giao để tạo thuận lợi cho những hành động trên thực địa. Và với tuyên bố không đủ mạnh của các bên dẫn đến việc Trung Quốc mạnh dạn phớt lờ dư luận.
Clip tàu Viking II bị tàu Trung Quốc uy hiếp
- Với việc liên tiếp uy hiếp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, Trung Quốc đang muốn gì, thưa ông?
- Sự kiện tàu Trung Quốc phá cáp của Viking II ngày 9/6 là một bước trong loạt hành động của Trung Quốc trong việc tìm cách cản phá việc thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Điều này tôi có thể hình dung và phán đoán khi xâu chuỗi các hành động đối với các nước trong khu vực. Chỉ trong vòng nửa tháng, các tàu Trung Quốc từ hải giám, ngư chính đến tàu cá đã hai lần ngang ngược xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam để tấn công, phá hoại cáp thăm dò trên các tàu thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, tàu Trung Quốc còn dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam và nhiều lần xâm phạm chủ quyền của Philippines.
Mục đích của họ không thay đổi về chiến lược đó là là hành động để hiện thực hóa tham vọng đường lưỡi bò. Tuy nhiên, với hành động cụ thể lần này, Trung Quốc tiếp tục thử thách phản ứng của Việt Nam, thử thách các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Với các hành động cụ thể vừa rồi với Bình Minh 02 và Viking II, ý đồ trước mắt của họ là đánh vào kinh tế, quan hệ kinh tế và sự hợp tác làm ăn giữa các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài, phát lời cảnh báo với các đối tác đang, hoặc có ý định làm ăn với Việt Nam. Họ đánh vào quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước. Đây là hành động tính toán cực kỳ kỹ lưỡng.
Trong thời gian tới Trung Quốc không dừng lại mà sẽ còn tiếp tục có những hoạt động mạnh hơn như tiến tới khoan thăm dò sau khi đã phân lô trên Biển Đông, đặt giàn khoan trên biển. Tất cả là nhằm hợp thức hóa yêu sách về chủ quyền trên biển.
Ảnh: PetroTimes.
Tàu Viking 2. Ảnh: PetroTimes.
- Trung Quốc biết rõ tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam có tàu bảo vệ, vì sao họ vẫn phá rối?
- Có nhiều lý do, nhưng dưới góc độ thực tế họ tính toán tới lực lượng sức mạnh tại chỗ trong thời điểm đó. Khi hành động, đối đầu trực diện thì họ tính tới sự bảo vệ của mình với tàu thăm dò. Nếu sự bảo vệ không đủ, họ sẽ mạnh dạn quấy phá. Thứ hai là thời điểm tiến hành, họ tính toán lúc thuận lợi nhất để cho tàu cá chạy vào khu vực ta đang thăm dò.
Việc dẫn theo 2 tàu kiểm ngư, trong đó có tàu 311 có trọng tải tới hơn 4.000 tấn chứng tỏ không hề ngẫu nhiên. Họ tính rất kỹ, nấp dưới danh nghĩa dân sự nhưng tôi cho rằng đó là lực lượng quân sự nấp dưới vỏ bọc dân sự, hành chính. Trung Quốc có sức mạnh, nhưng về lý, về lẽ phải họ không có.
- Theo ông, Việt Nam cần có hành động và thái độ như thế nào sau tàu Viking 2 và tàu Bình Minh liên tiếp bị uy hiếp?
- Trung Quốc đang quấy phá, tạo ra sự tranh chấp, dựng lên tranh chấp để cố chứng tỏ với thế giới rằng họ có lợi ích ở đây và cần đàm phán với họ. Đấy là điểm cốt yếu chí tử của họ khi áp đặt ý chí chủ quan nhưng không có cơ sở gì về đường lưỡi bò.
Trước những hành động cụ thể như trong vụ tàu Viking II thì chúng ta nên biến tuyên bố về nguyên tắc - những gì mình nói với thế giới - thành những việc làm cụ thể. Ví dụ như yêu cầu Trung Quốc bồi thường; lập thủ tục hồ sơ để đưa ra cơ quan tài phán quốc tế và có tiếng nói chính thức lên Liên Hợp quốc.
Chúng ta cũng cần nói rõ với các nước trong khu vực, nói với các nước lớn có lợi ích trên Biển Đông. Tức là mình phải tiến thêm một bước cụ thể hơn nữa chứ không chỉ có tuyên bố về nguyên tắc.
- Có ý kiến cho rằng, các nước ASEAN đang tự làm suy yếu mình vì không đưa ra tuyên bố chung trước những hành động gây hấn của Trung Quốc. Ông nghĩ sao?
- Từ trước tới nay Trung Quốc vẫn dùng chiêu bài "song phương" đối với các nước ASEAN để đánh lẻ, bẻ từng chiếc đũa. Họ nhằm vào từng nước để lôi kéo hoặc phá rối mối liên kết nội khối. Rõ ràng, họ vẫn tiếp tục, không muốn đàm phán đa phương, quốc tế hóa. Nếu các quốc gia ASEAN sơ hở, Trung Quốc sẽ lợi dụng.
Tôi cho rằng, sau hành động lần này của Trung Quốc, với tư cách là một bên ký tuyên bố DOC, khối ASEAN cần có chung tiếng nói đủ rắn mà không phải chờ tới cuộc họp thường kỳ nào. Một tuyên bố chung là rất có ý nghĩa vào lúc này để nói lên ý chí, sự thống nhất của khối. Chỉ với sự thống nhất, các nước lớn có mối quan tâm về an ninh khu vực như Mỹ, Nga, Ấn Độ... mới có cách tiếp cận chính thức với những bất ổn trên biển Đông.
- Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có hành động cứng rắn hơn nữa trước sự xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc. Quan điểm của ông thế nào?
- Hành động của Trung Quốc là sự thử thách, khiêu khích. Họ chờ đợi sự mất bình tĩnh của chúng ta. Thậm chí, có thể họ đã tính đến việc mình không kiềm chế được và nổ súng trước vào các lực lượng mang vỏ bọc dân sự của họ.
Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước chúng ta đã có những thời điểm tương tự như hiện nay. Trung Quốc đang thử thách lòng kiên nhẫn, sự chịu đựng từ phía các lực lượng của Việt Nam. Chỉ cần mình mất tỉnh táo, bình tĩnh, sử dụng vũ lực thì họ sẽ lấy cái cớ đó để tiến hành các hoạt động ở mức độ quân sự.
Cái quan trọng nhất là chúng ta phải bình tĩnh, kiềm chế, tiếp tục hành xử theo đúng quy định, thủ tục pháp lý. Nếu mình làm đúng như vậy thì lẽ phải thuộc về mình, không có gì phải sợ.
Ảnh: Nguyễn Hưng.
"Tuyệt đối không dùng vũ lực. Tránh rơi vào cạm bẫy khiêu khích của họ". Ảnh: Nguyễn Hưng.
- Nếu các lực lượng mang vỏ bọc dân sự của họ tiếp tục phá hoại, chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống tiếp theo như thế nào?
- Điều cần khẳng định đầu tiên là chúng ta nhất định không được vì sự quấy phá, xâm phạm của Trung Quốc mà ngừng các hoạt động bình thường trong vùng biển chủ quyền của mình. Nếu dừng lại, chúng ta sẽ rơi vào thế yếu, tạo cớ cho Trung Quốc rêu rao trên các diễn đàn thế giới cũng như với dư luận Trung Quốc về thứ chủ quyền mà họ vẽ ra.
Còn nếu họ tiếp tục phá, ta phải có cách ngăn cản theo đúng thủ tục pháp lý. Ví dụ trong trường hợp Viking II thì các lực lượng của Việt Nam hoàn toàn có quyền bắt giữ tàu cá, dẫn độ vào bờ, làm đúng thủ tục và đưa ra xét xử tại tòa án. Công ước Luật biển 1982 đã nói rõ điều đó, có điều phải tuyệt đối không dùng vũ lực. Tránh rơi vào cạm bẫy khiêu khích của họ.
Nguyễn Hưng thực hiện

06:06 | Posted in , , | Read More »

Công cụ chỉnh sửa và đổi định dạng ảnh siêu đơn giản

Nếu nhu cầu về ảnh của bạn không quá cao thì những phần mềm chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp như Photoshop là hoàn toàn không cần thiết, bởi vẫn có những phần mềm miễn phí mà khiến bạn phải ngạc nhiên.

XnConvert hoàn toàn miễn phí, giúp thực hiện đồng thời tác vụ chuyển đổi định dạng ảnh và làm đẹp với nhiều kiểu mẫu khác nhau. XnConvert được cung cấp tại đây (dung lượng: 7,3 MB).
Công cụ chỉnh sửa và đổi định dạng ảnh siêu đơn giản, Thủ thuật - Tiện ích, Vi tính - Internet, XnConvert, phan mem XnConvert, phan mem, vi tinh, cong cu chinh sua anh,
Trên giao diện chính, bạn chọn thẻ Input > Add files… hoặc Add folder… để lựa chọn những bức ảnh cần biên tập bằng cách chọn từng tập tin hay toàn bộ tập tin ảnh trong một thư mục.
Sau đó, chuyển sang thẻ Actions, bạn sẽ được cung cấp rất nhiều các hiệu ứng và công cụ giúp biên tập bức ảnh thêm đẹp mắt. Đầu tiên, bạn nhấn Load image… để chọn một bức ảnh cần biên tập. Sau đó, nhấn vào nút sẽ thấy xuất hiện 4 nhóm công cụ có thể thực hiện trên bức ảnh vừa thêm vào, gồm:
Image: với các công cụ thêm “phụ gia” vào bức ảnh như Add mask (thêm chi tiết vui nhộn vào bức ảnh, như bong bóng nước,…), Watermask (đóng dấu bản quyền cho ảnh), Resize (thay đổi kích thước ảnh), Rotate (xoay ảnh khi chuyển đổi xong),…
Map: chứa các công cụ xử lí trực tiếp chất lượng của bức ảnh về màu sắc, độ sáng một cách thủ công hay tự động như Automatic constrast, Automatic levels.
Công cụ chỉnh sửa và đổi định dạng ảnh siêu đơn giản, Thủ thuật - Tiện ích, Vi tính - Internet, XnConvert, phan mem XnConvert, phan mem, vi tinh, cong cu chinh sua anh,
Filter: bộ lọc thông minh của XnConvert cung cấp hàng loạt các công cụ lọc chi tiết thừa ra khỏi ảnh, chẳng hạn như tính năng Reduce noise hoạt động khá hiệu quả.
Misc: các tùy chọn trong nhóm này sẽ biến hóa bức ảnh của bạn thật linh động, bạn sẽ thu được một tác phẩm mới dưới dạng tranh sơn dầu hay ảnh vẽ, ảnh khắc trên đá,…
Công cụ chỉnh sửa và đổi định dạng ảnh siêu đơn giản, Thủ thuật - Tiện ích, Vi tính - Internet, XnConvert, phan mem XnConvert, phan mem, vi tinh, cong cu chinh sua anh,
Tiếp theo, bạn chọn thẻ Output, thiết lập thư mục lưu thành phẩm là cùng thư mục với các tập tin gốc (Source folder) hay trong thư mục tùy chọn khác (Folder). Ngoài ra, bạn còn có thể đặt tên mới cho bức ảnh tại mục File name và chọn định dạng ảnh xuất ra tại mục Format. Cuối cùng, nhấn Convert để chương trình thực hiện xử lí ảnh.

07:19 | Posted in , , | Read More »

Trang phục đẹp và kỳ dị của các nữ võ sĩ Nhật Bản


Võ đài giải vô địch võ tự do nữ Nhật Bản mới đây như trở thành sàn diễn để các võ sĩ thể hiện niềm đam mê của họ với cosplay - thời trang truyện tranh.

Phương Minh

07:12 | Posted in , , | Read More »

'Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền'


"Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhưng khi đứng trước nguy cơ mất chủ quyền thì nhân dân Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ nó", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trả lời VnExpress ngay sau khi trở về từ Hội nghị An ninh châu Á.

- Trong phát biểu chính thức tại Hội nghị An ninh châu Á vừa qua, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đề cập đến vụ Bình Minh 02 như là một ví dụ cho thấy những phức tạp mới nảy sinh trên biển Đông. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Hội nghị An ninh Châu Á lần này có sự tham dự của một Tổng thống, 2 Thủ tướng, 28 Bộ trưởng Quốc phòng và gần 2.000 quan chức quốc phòng, học giả… Tại diễn đàn, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu ở phiên thứ 5 về “Đối phó thách thức an ninh mới trên biển”. Dư luận đánh giá đây là bài phát biểu tốt, ở tầm cao chiến lược và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển, ổn định của khu vực.
Vụ tàu Bình Minh 02 đã được đưa vào phát biểu chính thức tại Hội nghị. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu, khẳng định sự sai trái của Trung Quốc trong sự việc này. Việc tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vào sâu tới hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế là điều không chấp nhận được trong bất cứ văn bản luật pháp nào. Đồng thời, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhắc lại chủ trương Việt Nam trên biển Đông là kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và công khai minh bạch để cộng đồng thế giới phân biệt đúng sai.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: N.H.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: N.H.
- Đáp lại phản ứng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, phía Trung Quốc cho rằng, đây là hoạt động chấp pháp bình thường và quân đội Trung Quốc không hề tham gia. Ông bình luận gì về phản ứng này?
- Tôi muốn khẳng định, vụ tàu hải giám Trung Quốc vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động xâm phạm trắng trợn. Đó là vụ hành xử bằng bạo lực, hành động bạo lực khoác áo dân sự. Hành động này của phía Trung Quốc chứng tỏ một điều chính người gây hấn cũng không có cơ sở pháp lý để giải quyết mà phải sử dụng đến bạo lực để phá hoại một hoạt động lao động hoà bình trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Sự việc này lại diễn ra sau một loạt hoạt động ngoại giao quan trọng của Trung Quốc, ngay trước thềm Hội nghị An ninh châu Á. Vì thế, đây còn là sự thách thức dư luận quốc tế. Cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm bảo vệ chân lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, không cho ai xé rào khỏi luật pháp.
- Thưa ông, những đối thoại và phát biểu chính thức tại Shangri La của các nước không thấy đề cập đến vụ việc tàu Bình Minh 02. Tại sao các nước ASEAN chưa nhìn nhận đây là vấn đề khu vực, chứ không chỉ là vấn đề Trung Quốc - Việt Nam?
- Đối với Việt Nam, hành động gây hấn vừa rồi của Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền. Nhưng đối với quốc tế thì cần phải hiểu hành động này là phép thử để Trung Quốc biến cái gọi “đường 9 khúc” thành hiện thực. Và nếu các nước làm ngơ thì lợi ích của họ cũng sẽ bị xâm phạm. Nếu không làm cho phía Trung Quốc chấm dứt ý định đó, thì có thể những sự việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra. Vấn đề sẽ là sự việc xảy ra ở đâu, vào lúc nào, với ai, ở mức độ nào thôi.
Theo nhìn nhận của tôi, có lẽ đến thời điểm diễn ra Hội nghị, sự việc còn quá mới, các đại biểu chưa nắm đầy đủ thông tin, chưa hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tôi tin rằng, sau những thông điệp của phía Việt Nam, các nước nhất là trong khối ASEAN sẽ nhìn nhận vấn đề này đúng bản chất hơn: Xuất hiện một nguy cơ là Trung Quốc đang đặt ra khuôn phép mới, cách hành xử mới với các nước trong khu vực để hiện thực hoá cái gọi là “yêu sách về đường 9 khúc”. Hôm nay là Việt Nam thì ngày mai sẽ là nước khác. Tôi cho rằng, các nước trong khu vực phải xem xét lại đúng hay sai với tư cách là đối tượng trong tương lai.
- Trong bối cảnh các nước còn đang phân tán trong đánh giá, với tư cách là tướng quân đội, Việt Nam sẽ làm gì để sự việc Bình Minh 02 không tái diễn, thưa ông?
- Chúng ta sẽ áp dụng mọi biện pháp để duy trì sự ổn định và giữ chủ quyền, trong đó biện pháp nhất quán, cơ bản, lâu dài là giải quyết trong hoà bình. Chiến tranh là điều không ai muốn, tuy nhiên khi sự việc leo thang thì chúng ta cũng sẽ hành động chứ không thể ngồi im.
Hôm qua, tàu Bình Minh 02 tiếp tục ra khơi làm nhiệm vụ và việc chúng ta tăng cường đến 8 tàu bảo vệ cũng là một hành động cụ thể để ngăn chặn những hành vi xâm phạm khu đặc quyền kinh tế. Quân đội không trực tiếp tham gia. Tuy nhiên sẽ quân đội sẽ theo dõi sát sao để tránh xảy ra xung đột. Nếu đến mức xảy ra xung đột vũ trang thì nhất quyết quân đội tham gia để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Chúng ta không nói suông, không thụ động ngồi im, nhưng cũng không bảo vệ chủ quyền một cách thiếu khôn ngoan mà phải dựa vào sức mạnh thời đại, đó là niềm tin, sự ủng hộ vào chân lý và khát vọng hoà bình của tất cả các nước, tất cả các dân tộc trong thế giới ngày nay. Ngay cả nhân dân Trung Quốc cũng vậy, họ rất yêu chuộng hoà bình và cũng mong muốn một hình ảnh tốt đẹp cho đất nước mình. Chúng ta sẽ sử dụng đúng luật pháp quốc tế và bảo vệ bằng được chủ quyền lãnh thổ, tài sản quốc gia. Với những cố gắng của chúng ta trong tuyên truyền, đấu tranh ngoại giao, đối thoại với Trung Quốc và tăng sức mạnh bảo vệ thì tôi tin sẽ không tái diễn sự kiện 26/5 lần nữa.
- Theo báo chí Trung Quốc, Hà Nội tự tin hơn sau phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton năm ngoái là Mỹ có lợi ích lâu dài tại biển Đông. Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại hội nghị Shangri La cũng tiếp tục khẳng định Mỹ không buông biển Đông. Theo ông, trong bối cảnh này, Việt Nam có lợi ích gì trong chiến lược này của Mỹ?
- Tôi có thể tự tin nói rằng, Việt Nam đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền mà không dựa vào sức mạnh của một bên thứ ba. Chủ quyền là thiêng liêng không được phép đánh đổi. Chúng ta không để các nước lớn thỏa hiệp trên lưng mình.
- Ở bên cạnh một nước lớn như Trung Quốc“thường có hành động trái với tuyên bố” điều e ngại nhất của ông là gì?
- Tại Đối thoại Shangri La 10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã có bài phát biểu rất hay, có tính xây dựng cao và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đánh giá cao về nội dung bài phát biểu này. Tuy nhiên ngay trong Hội nghị, một số đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn về khoảng cách giữa lời nói và việc làm trên thực tế của Trung Quốc, đặc biệt là đặt nó bên cạnh một số vụ việc vừa qua. Chúng ta hy vọng, chờ đợi và ủng hộ những hành động sắp tới đây của Trung Quốc sẽ phù hợp với những tuyên bố tốt đẹp của Bộ trưởng Lương Quang Liệt.
Còn về sức mạnh của Trung Quốc - rõ ràng họ là một nước lớn, vừa qua đã đạt được những bước phát triển to lớn, toàn diện, trong đó có lĩnh vực quân sự. Chúng ta tôn trọng và ủng hộ sự phát triển ấy nếu nó đem lại sự phát triển hoà bình ổn định trong khu vực, củng cố tình hữu nghị đoàn kết giữa các nước. Còn trong trường hợp một thế lực nào sử dụng sức mạnh vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ thì chúng ta không thể khoanh tay, im lặng. Chúng ta kiên trì bằng biện pháp hòa bình, công khai minh bạch để dư luận nhân dân thế giới, trong đó có cả người dân Trung Quốc hiểu được Việt Nam là nước yêu chuộng hòa bình. Nhưng khi đứng trước nguy cơ mất chủ quyền thì nhân dân Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ nó. Đó là điều bất biến.
Năm 1945, khi các nước lớn ngồi phân chia lại thế giới sau Thế chiến thứ hai, hồi đó Mỹ cho rằng, đối thủ đáng gờm trong tương lai của Mỹ sẽ là Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng có nhà tiên tri nào biết được rằng, hơn 30 năm sau, Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến tranh với một nước nhỏ, lạc hậu và khi đó còn chưa có tên trên bản đồ thế giới? Việt Nam thắng Mỹ, một lý do vô cùng quan trọng là nhờ nhân dân Mỹ đã đứng lên phản đối cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa đó.
Sức mạnh của chúng ta là chính nghĩa, là tinh thần yêu chuộng hoà bình của nhân dân thế giới, và lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Phạm Hiếu - Nguyễn Hưng

07:09 | Posted in , , , | Read More »

Ngắm xế độ BMW X6 Hamann tại Sài Gòn


Một đơn vị đã nhập gói phụ kiện Tycoon dành cho BMW X6 của hãng độ xe Đức Hamann với bộ bodykit mới, và ECU điều chỉnh để động cơ tăng công suất thêm 60 mã lực.

BMW X6 Hamann lắp đặt tại Sài Gòn.
Bộ bodykit Tycoon của Hamann giúp ngoại thất X6 một diện mạo mới mẻ. Nổi bật phần đầu xe là nắp ca-pô thay mới được làm từ vật liệu sợ carbon. Bộ ốp cản trước mới với hệ thống đèn LED chiếu sáng ban ngày, lỗ hút khí lớn. Bộ ốp mới tăng thêm chiều rộng xe 30 mm mỗi bên.
Bộ mâm mới chính hãng 10 chấu kép 23 inch mỏng nhưng chắc chắn với sơn trắng phía viền ngoài. Cánh lướt gió mới đặt phía đuôi. X6 Hamann lôi cuốn từ cả bộ ốp cản sau thể thao cùng cặp ống xả kép. Chạy dọc theo thân là những đường sơn đen, ốp tay nắm cửa và gương (kính) chiếu hậu bằng carbon và bậc bước lên xe chính hãng Hamann.
Động cơ BMW X6 phiên bản xDrive35i có công suất cực đại 306 mã lực và mô men xoắn 400 Nm. Tuy nhiên, ngay sau khi lắp cặp ống xả kép mới, đồng thời bộ phận điều khiển trung tâm ECU điều chỉnh cho phù hợp, giúp công suất của X6 Hamann tăng thêm 60 mã lực và 80 Nm mô-men xoắn.
Phần nội thất trên xe được người chơi gắn mới hệ thống xử lý âm thanh của hai hãng Kicher và Herzt. Bộ loa mới và hệ thống xử lý âm thanh "ôm" trọn toàn bộ khoang để hành lý phía sau có tổng công suất gần 3.000 W.
Theo chủ xe, không tính thời gian đặt hàng các phụ kiện về đến Việt Nam, những người thợ đã mất gần hai tháng để hoàn thành việc nâng cấp chiếc BMW X6 này.
BMW X6 Hamann
BMW X6 Hamann
BMW X6 Hamann
BMW X6 Hamann
Ngoại hình mới cho chiếc BMW X6 Hamann được lắp đặt tại Việt Nam.
BMW X6 Hamann
Nắp ca-pô mới được làm từ sợi carbon.
BMW X6 Hamann
Cản trước được mở rộng, với hệ thống đèn LED được gắn bên trên.
BMW X6 Hamann
Bậc lên xuống mới của BMW X6 Hamann.
BMW X6 Hamann
Mâm 10 chấu kép 23 inch.

07:08 | Posted in , | Read More »

Cựu Bộ trưởng Pháp “vạch mặt” NATO, bảo vệ Gaddafi

Trong khi Pháp là một trong những nước tích cực hàng đầu trong chiến dịch chống Tổng thống Gaddafi thì cựu Ngoại trưởng nước này - ông Roland Dumas đã đến Libya với tư cách một luật sư để chuẩn bị một vụ kiện đại diện cho các nạn nhân bị NATO đánh bom. Ông Dumas tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Tổng thống Muammar Gaddafi nếu ông này bị đưa ra xét xử tại Tòa án The Hague.
 
Cựu Bộ trưởng Pháp vạch mặt NATO, bảo vệ Gaddafi

Ông Dumas giữ chức Ngoại trưởng Pháp dưới thời Tổng thống Francois Mitterrand. Ông này cho biết, ông đã nhìn thấy nhiều nạn nhân dân thường của các cuộc không kích của NATO ở trong một bệnh viện. Cũng theo ông này, một bác sĩ đã nói với ông rằng, có khoảng hơn 20.000 nạn nhân bị thương vong do chiến dịch can thiệp quân sựcủa NATO vào Libya.

"Đây là một cuộc xâm lược tàn bạo, thật sự tàn bạo đối với một nước có chủ quyền," cựu Ngoại trưởng Dumas đã phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo được tổ chức trong một khách sạn sang trọng ở thủ đô Tripoli ngày hôm qua (29/5). Cuộc họp báo này có sự tham dự của nhiều người được giới thiệu là các thành viên gia đình, họ hàng, bạn bè của những nạn nhân của NATO.

"Hiện tại, chúng tôi đã được ủy quyền đại diện cho các nạn nhân của chiến dịch đánh bom của NATO. Liên minh quân sự này đã tiến hành các hoạt động quân sự chống lại dân thường với vỏ bọc giả tạo, cực kỳ giả tạo là Liên Hợp Quốc," ông Dumas cho biết.

"Sau khi tiếp xúc với chính phủ Libya, chúng tôi quyết định thực hiện chuyến đi này để tận mắt chứng kiến điều kiện và hoàn cảnh của các nạn nhân," ông Dumas nói thêm.

“Gỡ bỏ tấm màn che mặt của những kẻ ám sát"

Cùng đi đến Libya với ông Dumas có luật sự bào chữa nổi tiếng của Pháp - Jacques Verges. Theo lời ông Verges, mục đích của ông là “gỡ bỏ tấm màn che mặt của những kẻ ám sát đó”, những kẻ phải chịu trách nhiệm cho các cuộc không kích của NATO. Ông Verges cho biết, ông đã khóc ngay tại bệnh viện khi gặp gỡ với các nạn nhân dân thường bị thương “chỉ bởi vì họ là người Libya"

Phương Tây đang dẫn đầu một chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm bảo vệ dân thường khỏi các cuộc tấn công của lực lượng quân chính phủ.

Các nhóm nhân quyền cho biết, hàng chục người đã bị các lực lượng trung thành với ông Gaddafi giết hại trong những cuộc đàn áp người biểu tình trước khi NATO chính thức nhảy vào can thiệp. Và hàng trăm người đã chết khi quân chính phủ tiến hành bao vây thành phố Misrata.

Ông Dumas, một chính khách từ lâu đối lập với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, cho biết ông sẵn sàng bảo vệ Tổng thống Gaddafi nếu Nhà lãnh đạo này bị đưa ra xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague mặc dù ông này miêu tả một kịch bản như thế là không thể xảy ra.

"Nếu ông ấy yêu cầu tôi, tất nhiên tôi sẽ giúp ông ấy. Tuy nhiên, tôi không nghĩ chuyện đó sẽ xảy ra," cựu Ngoại trưởng Pháp cho biết.

Trưởng công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế đã kêu gọi truy tố ông Gaddafi, một trong những người con trai của ông này và người đứng đầu cơ quan tình báo Libya vì tội giết hại dân thường.

Theo các quan chức Libya, hai ông Dumas và Verges đã “tình nguyện” đứng ra bảo vệ cho các nạn nhân dân thường trong chiến dịch đánh bom của NATO. Ông Dumas từ chối không cho biết, liệu ông này cùng với luật sư Verges có chấp nhận lấy tiền công từ chính phủ Gaddafi hay không.

Khi được hỏi liệu ông đã nhận tiền của chính phủ Gaddafi hay chưa, ông Dumas trả lời: “Không, chúng tôi chưa hề nhận gì". Khi phóng viên tiếp tục hỏi, liệu ông có lấy tiền từ chính phủ của ông Gaddafi trong tương lai, ông Dumas cho biết: “Chúng tôi đang làm việc như một luật sư. Giống như các luật sư Anh và Mỹ khác”.

NATO nói rằng, họ chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, có nhiều nguồn tin khẳng định, NATO đã gây cái chết cho khá nhiều dân thường. Mặc dù vậy, liên minh quân sự phương Tây vẫn liên tục lên tiếng cáo buộc quân chính phủ Libya là thủ phạm gây ra cái chết của hàng trăm dân thường ở đất nước Bắc Phi.

Kiệt Linh - (theo Reuters)

07:04 | Posted in , , | Read More »